Câu chuyện

Câu chuyện xóa dấu chân Carbon để tham gia kinh tế tuần hoàn Việt Nam

Câu chuyện xóa dấu chân Carbon để tham gia kinh tế tuần hoàn Việt Nam
Cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong tiến trình đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa quyết tâm đó, Việt Nam xây dựng chương trình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có tác động lớn vào quá trình giảm phát thải ròng, Tập đoàn C.P. đang có những bước chuyển đổi mô hình sản xuất sang tuần hoàn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực bền vững của Việt Nam. Bà Sirapassorn Sagulwiwat - Trợ lý Phó Tổng giám đốc bộ phận phát triển bền vững CPF, đại diện tập đoàn đã có những chia sẻ tại hội nghị về xu hướng chuyển dịch đầu tư tái thiết kinh tế toàn cầu trong bối cảnh mới hậu COVID-19 và đổi mới kinh tế tuần hoàn trong khối doanh nghiệp. “Cần xét đến tính bền vững của thực phẩm để thấy được hành động phải thực hiện đóng góp vào an ninh lương thực của Việt Nam, C.P. Việt Nam không thể đơn phương độc mã làm được điều này mà cần có sự chung tay của cộng đồng và các doanh nghiệp khác.” – theo bà Sirapassorn Sagulwiwat.
Về thực phẩm bền vững, C.P. hướng đến mục tiêu đảm bảo lương thực - thực phẩm sạch và an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa thì điều này ngày càng chú trọng hơn nữa.
Bà Sirapassorn Sagulwiwat cũng truyền tải đến hội nghị thông điệp của Tập đoàn rằng C.P mong muốn được đóng góp vào quyết tâm đưa phát thải ròng về 0 của Việt Nam thông qua việc góp phần vào sản xuất kinh tế tuần hoàn. Đảm bảo áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để có những sản phẩm an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường và giảm hao tổn sức lao động của công nhân.

Bà Sirapassorn Sagulwiwat, đại diện Tập đoàn C.P phát biểu tại hội nghị
 

“Ở các nhà máy, chúng tôi tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, khí bioga khí đốt sinh học. Những phế phẩm trước chỉ bỏ đi nhưng nay đã được chúng tôi tái chế đem lại giá trị mới, giảm thiểu rác thải, giảm thất thoát tài nguyên. Rác thải ở cuối quy trình này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho quy trình khác đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, giúp đỡ những người dễ bị tổn thương trong xã hội” - Bà Sirapassorn Sagulwiwat cho biết.
Hiện thực hóa điều này, C.P đã, đang và sẽ thực hiện các hành động để giảm thiếu dấu chân carbon và dấu chân nhựa của con người. Cụ thể, tập đoàn đã giảm thiểu sử dụng túi nilong, tiến hành các nghiên cứu đối với hoạt động trong các trang trại về kiểm soát xử lý rác thải, sử dụng các thùng giấy phù hợp và áp dụng kinh nghiệm của C.P ở các nước trên thế giới đối với Việt Nam. Riêng về vấn đề bao bì bền vững, đại diện C.P cho biết, để giảm thiểu 50.000 tấn túi nilong tích từ năm này sang năm khác C.P đã có những thay đổi trong thiết kế sản phẩm, bao bì, nguyên liệu theo tôn chỉ tận dụng nguyên liệu có thể phân hủy. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030, 100% bao bì của C.P sẽ có thể tái chế tái sử dụng và phân hủy hoàn toàn, hiện nay C.P đã đạt 98% bao bì tái chế, tái sử dụng. Phòng nghiên cứu của tập đoàn đang tìm ra phương án để hiện thực hóa mục tiêu này sớm nhất.
Ngoài ra, tập đoàn cũng rất chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học. “Chúng tôi hướng tới chung sống hòa bình với các sự vật trên trái đất này, C.P mong muốn đóng góp vào tiến trình trồng rừng ngập mặn – được coi là kim cương của Việt Nam, và tiếp tục đặt mục tiêu 1,5 triệu cây vào năm 2025, xây dựng chương trình Vì Việt Nam sạch hơn”, bà Sirapassorn Sagulwiwat chia sẻ.
Chiến lược chuyển đổi mô hình sản xuất xanh của C.P hoàn toàn phù hợp với chương trình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế không phát thải, trung tính carbon vào năm 2050 là tham vọng toàn cầu, nhằm dịch chuyển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị toàn cầu trong 25 tới 30 năm.

 

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (bên phải) trao đổi với ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc C.P (bên trái) trong khuôn khổ hội nghị
 

Đưa ra cảnh báo tại hội nghị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, tháng 5/2022, Tổ chức Khí tượng thế giới công bố 4 chỉ số chính về biến đổi khí hậu, bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt đại dương và axit hóa đại dương đã lập kỷ lục mới vào năm 2021. Điều này cho thấy các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi ở quy mô cấp hành tinh trên đất liền, trong lòng đại dương và bầu khí quyển, tạo ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái.
“Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay. Đây chính là hệ lụy của mô hình phát triển tuyến tính (khai thác tài nguyên - sản xuất - tiêu dùng và cuối cùng là thải ra môi trường) thiếu bền vững trong hơn 150 năm qua của nhân loại”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo CPV

Đang xem: Câu chuyện xóa dấu chân Carbon để tham gia kinh tế tuần hoàn Việt Nam

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng